Vòng tròn quay về bên trong
Ngót nghét gần nửa đời người ngồi nghiệm lại hành trình của mình tôi thấy nó khá giống cái vòng tròn, nơi điểm bắt đầu cũng có lẽ là điểm kết thúc.
Ba mẹ tôi dắt tay nhau đi lên vùng kinh tế mới ở Kiên Giang vào năm 1991 khi tôi còn ẵm nách. Lúc họ tới, vùng đất còn chưa lập làng, lập xã, các hộ gia đình thì chỉ loe ngoe hơn một chục và mỗi nhà thì cách nhau chắc phải hơn cả cây số. Rồi người ta nhóm chợ, bầu tổ trưởng, nhà nước hỗ trợ xáng múc múc đất ở dưới sông lên để đổ dọc theo bờ kênh làm đường đi. Ba mẹ kể đường gồ ghề đến nỗi xe đạp chạy còn khó nên phương tiện chủ yếu thời đó là xuồng, ghe. Hễ mà muốn đi chợ cách nhà 5km thì phải bắt đò dọc đi hơn nữa ngày. Rồi những đứa em của tôi ra đời cùng với sự tiến bộ chậm rãi của vùng quê: có trường, có trạm xá, chợ đông hơn và dân cư đến nhiều hơn. Ấy vậy mà cho đến năm tôi lớp 10 vùng quê vẫn chưa có điện và đến tận giờ nước máy vẫn chưa dẫn tới.
Ông nội có mua cho vài mẫu ruộng để ba mẹ lập nghiệp ở vùng đất mới nhưng tiếc thay miền Tây thời đó phèn nhiều và hai người cũng không ai có kinh nghiệm làm nông nên tài sản dần đội nón ra đi và ba mẹ làm đủ thứ nghề để nuôi nấng 4 chị em tôi. Chúng tôi lớn lên trong cái sự nghèo và ăn đong từng bữa nên tôi sợ nghèo lắm. Lúc nào cũng nung nấu ý chí là phải vào đại học rồi làm việc ở thành phố lớn để con cháu tôi sẽ không khổ sở như tôi bấy giờ. Cầu được và cộng thêm nỗ lực nên đã thấy như ước nguyện. Thời gian đầu ở Sài Gòn tôi háo hức lắm và nghĩ rằng đây là thiên đường của mình rồi tuy nhiên càng về sau thì lại càng thấy chênh vênh. Tôi dành khá nhiều thời gian để suy tư về bước tiếp theo của mình và nhận ra là mình không muốn một cuộc sống giàu vật chất nhưng tinh thần trống rỗng như vậy. Rồi tôi đi nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng không biết duyên cớ gì tôi lại thích tìm đến những vùng quê mà đến mãi sau tôi mới hiểu đó là hành trình đi về cái gốc của mình. Có thể cái đứa tôi lúc đó chưa nhận ra nhưng bản năng nó thôi thúc cũng mạnh mẽ thật nên thành thử tôi cứ đi dần về điểm xuất phát.
Phải hơn hai năm rong ruổi trong tâm thế đi tìm lẽ sống như thế tôi mới biết đến Stone Hill Farm. Hoá ra nó gần mình đến vậy và hoá ra nông dân cũng có thể hạnh phúc đến vậy. Tôi nể cách thầy Phước sống trọn vẹn với mỗi lựa chọn của thầy. Thầy hạnh phúc khi làm một ông nông dân tay lấm chân bùn và đồng thời cũng sáng bừng sức sống khi đóng bộ làm một ông tiến sĩ dạy bọn nông dân “tập sự” như tôi. Tôi chợt hiểu ra vấn đề không nằm ở thành thị hay nông thôn mà cái chính là tình yêu với việc làm của mình. Vâng, tôi yêu cuộc sống ở nông thôn, tôi yêu sự bình dị chậm rãi của miền quê và tôi yêu những giá trị bền vững. Tình yêu nó có sức lan tỏa ghê gớm lắm, nó lây từ thầy sang tôi và lây luôn cho những ai tiếp xúc với các thầy trò (tất nhiên họ phải có cái bản ngã thuộc về tình yêu này chứ thầy trò tôi không thần thánh đến mức làm tất thảy mọi người yêu mình).
Rồi thế là tôi dừng bước tại đây, tôi tiếp tục cùng thầy nuôi dưỡng và trao truyền tình yêu đó cho những người khác. Tôi có một giấc mơ là có thể làm cho những đứa trẻ sinh sống ở nông thôn không phải chán ghét nơi tụi nó sinh ra như tôi ngày trước, có thể khiến bọn chúng đỡ chật vật hơn khi xác định bản ngã của mình. Tất nhiên để làm được điều đó thì phải có minh chứng chứ không nói suông được nên thầy trò tôi và một vài cộng sự nữa cùng nhau xây dựng một cộng đồng bền vững ở Stone Hill Farm. Chúng tôi làm nông nghiệp bền vững và chuyển giao các kỹ thuật này qua các lớp học, chúng tôi tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm kết hợp với STEAM cho học sinh thành thị để nhóm đối tượng này cũng phần nào hiểu được giá trị nền tảng của nông thôn. Rồi thông qua các hoạt động này chúng tôi tạo được công ăn việc làm cho dân địa phương và có kinh phí để duy trì lớp học cộng đồng cho con em của họ. Cộng đồng này bền vững, mô hình của chúng tôi ổn định thì sẽ tạo tác động to lớn lắm đến những ai đang muốn quay về phục vụ nông thôn.
Thật ra làm dự án nó còn vất vả hơn lúc tôi ở thành thị và chắc chắn là hơn lúc bé nhiều nhưng nhờ có tình yêu từ gốc tôi thấy mình mạnh mẽ và kiên định hơn. Việt Nam mình là một đất nước nông nghiệp và nếu ta dùng tri thức để khai thác nó theo hướng bền vững thì tôi tin rằng không xa nữa trong tương lai sự bất cập, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn sẽ dần nhỏ lại. Thật ý nghĩa biết bao khi ngày càng giảm dần những đứa trẻ mất nửa đời người để tìm về chính mình như tôi.
Duy Thư