Đắk Lắk bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững
Chiều 5/10/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo ông Chu Quang Thái – Thường trực phía Nam Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Sở, ngành, địa phương và gần 100 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp như: giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ… để doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại, nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất hạn chế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội thảo.
Hội thảo là cơ hội để UBND tỉnh lắng nghe những chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia cũng như đề xuất của các sở, ngành, đơn vị về những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững về cả số lượng, chất lượng, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo đánh giá tại hội thảo, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.496 doanh nghiệp đang tồn tại, hoạt động (gồm 11.528 doanh nghiệp và 968 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh).
Đại diện Cục Thuế tỉnh chia sẻ kết quả hỗ trợ gia hạn thuế cho doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường cũng tăng cao so với cùng kỳ, toàn tỉnh có tới 792 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, tương đương 74,37% số doanh nghiệp thành lập mới.
Các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công, cũng như đầu tư tư nhân, đặc biệt là tháo gỡ các thủ tục để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn được kích hoạt, thông suốt.
Nhờ sự nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng như sự nỗ lực vượt qua khó khăn, nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã dần phục hồi và có nhiều khởi sắc. Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh qua các năm tiếp tục duy trì phát triển, hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Đại diện Làng Tư duy thiết kế thuyết trình tại hội thảo
Việc tiếp cận các chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất hạn chế, như: chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg; chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg,…
Bên cạnh đó, các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ, ngành Trung ương còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường…, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, đại diện Sở, ngành đã chia sẻ tham luận về những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn; Thảo luận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Đa số các tham luận tập trung đề xuất giải pháp hỗ trợ nhiều lĩnh vực như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong lĩnh vực thuế năm 2023; Đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với các hàng hóa nông sản; cung ứng vốn ngắn hạn cho nhu cầu vốn lưu động; trung hạn cho nhu cầu đổi mới thiết bị, mở rộng sản xuất và dài hạn cho nhu cầu đầu tư phát triển dự án mới; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào quản lý, quá trình sản xuất kinh doanh; giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp…