Bản lĩnh Đổi mới sáng tạo – Công cụ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Trên hành trình tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp, không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được ngay và đầy đủ các thông tin về các thành phần của hệ sinh thái. Từ cách tiếp cận đến sự hiểu biết về chức năng, vai trò của từng cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung. Đây rõ ràng là một thách thức với từng thành viên trong hệ sinh thái, đặc biệt là những nhân tố khởi nghiệp, người cần hiểu và cần được sự hỗ trợ của hệ sinh thái nhất. Và tất nhiên, nếu không hiểu hoặc hiểu chưa tới và chưa đầy đủ thì nhiều khi cơ hội và thời điểm cần nhận được sự hỗ trợ, tương trợ, tư vấn của các thành viên trong hệ sinh thái bị bỏ qua một cách “vô thức”. Điều này, làm cho các Founder thường xuyên cảm giác bị bỏ rơi và “cô đơn” trên hành trình khởi nghiệp của mình. Những lúc như thế này, chỉ có cá nhân và người đứng đầu của mỗi doanh nghiệp, tổ chức khởi sự kinh doanh đón nhận và xử lý các vấn đề phát sinh, quan trọng hơn cả là phải tìm được cách vượt qua thách thức này. Đôi khi, cá nhân đó sẽ bị áp lực rất lớn trong một thời gian ngắn bị dồn nén cực độ đem tới cảm giá chán nản, căng thẳng, stress đến tột độ, thậm chí có cảm giác muốn bỏ cuộc. Chính lúc này, thời điểm có tính bản lề, là cơ hội trau rèn lên khí chất, bản lĩnh của “người cầm cờ”, doanh chủ của doanh nghiệp. Vượt qua được các bài toán thử thách của thực tiễn sẽ hình thành và đào tạo một doanh nhân thành đạt trong tương lai. Vượt qua được tình huống khó khăn trong quá trình kinh doanh đòi hỏi một năng lực tổng hợp từ kiến thức đến kỹ năng, sự vận dụng tư duy đổi mới sáng tạo, biết tôn trọng yếu tố thực tiễn, khách quan, đồng thời cũng dám thay cũ, đổi mới trong từ duy và hành động một cách uyển chuyển linh hoạt. Các yếu tố này đòi hỏi một bản lĩnh thực sự và nó không đơn thuần là một sự lựa chọn đơn nhất nào đó. Ai đã từng khởi nghiệp hoặc tham gia hỗ trợ, đồng hành cùng với các hoạt động khởi nghiệp sẽ cảm nhận một cách sâu sắc trải nghiệm này.
Ông Lê Vũ Tiến – Cố Vấn làng Design Thinking – Techfest Quốc gia – P. Chánh Văn Phòng Đảng – Đoàn Thể – Bộ KH&CN
Một hệ sinh thái khởi nghiệp đúng nghĩa sẽ vận hành theo đúng bản chất nội hàm trong tự nhiên của hệ sinh thái đó là yếu tố cộng sinh giữa các cấu phần với nhau. Yếu tố này thể hiện rõ nét ở góc độ cùng đồng hành và phát triển, sự tồn tại, phát triển của yếu tố này là tiền đề cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của các yếu tố khác và ngược lại. Xét ở một góc độ nào đó, đầu ra của nhân tố này là đầu vào của nhân tố khác, nương tựa vào nhau để cùng tối ưu, tăng năng lực cạnh tranh của từng cá thể, tổ chức trong hệ sinh thái đó. Tất nhiên, yếu tố “sinh tồn” là một năng lực và phẩm chất tự thân của mỗi thành phần trong hệ sinh thái. Doanh nghiệp cũng vậy. Nếu năng lực tự thân, yếu tố nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo hạn chế sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh sinh tồn của doanh nghiệp. Muốn tồn tại phải tái cấu trúc và đổi mới sáng tạo.
Với kinh nghiệm hơn mười năm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là doanh nghiệp về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (IP – Intellectual Property, khoa học, công nghệ (STEM/STEAM) và đổi mới sáng tạo (Innovation). Ứng dụng, xác lập các quyền về sở hữu trí tuệ để thương mại hóa các tài sản vô hình của doanh nghiệp, tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp là một thách thức lớn và đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua. Tham gia hệ sinh thái, sẽ cho chúng ta nhiều cơ hội học hỏi và hơn hết hiểu được tinh thần dấn thân, trao đi của nhiều chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý và cộng đồng cùng chung tay xây dựng, vun trồng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Có thể nói, để xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ cần thêm thời gian và nhiều thách thức kèm theo, đòi hỏi mỗi chúng ta cần nỗ lực không ngừng, bền bỉ, kiên định cùng đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước, bám sát các định hướng chiến lược phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trên hành trình này, sự bền bỉ, bản lĩnh thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo là một yêu cầu tất yếu khách quan, hướng đến sự hình thành nên văn hóa đổi mới sáng tạo thúc đẩy văn hóa sở hữu trí tuệ thông qua hành vi tôn trọng năng lực sáng tạo của người khác, trên cơ sở đó hình thành nên văn hóa khởi nghiệp. Một quốc gia thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp thành công bên cạnh các yếu tố công nghệ thì cần được phát triển trên nền tảng văn hóa khởi nghiệp một cách thực chất. Năng lực đổi mới sáng tạo sẽ là “lõi” để tạo lên sự bứt phá. Bản lĩnh của người thực thi sẽ là khung, bệ đỡ để biến năng lực đó thành hiện thực. Hệ sinh thái cần lắm những con người như thế!