VN Innovation Champions
1

Thúc đẩy phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng tại vùng Đông Nam Bộ

Các mô hình kinh tế sinh thái dưới tán rừng đã và đang góp phần tạo thêm thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên bản địa, tránh lãng phí.

Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn Megacity connect vùng Đông Nam Bộ, chủ đề Phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Đồng Nai và Làng Design Thinking tổ chức ngày mới đây trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2023 (Techfest Dong Nai 2023).

Cụ thể, theo ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai, đây là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Đông Nam bộ, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 124 ngàn ha chiếm khoảng 48% tổng diện tích rừng tự nhiên của vùng.

Rừng ở Đồng Nai có đặc trưng là có hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước đan xen, có nhiều động thực vật quý hiếm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khoa học giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.

Hiện nay, tại Đồng Nai đã có những mô hình phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng như mô hình trồng xen theo tỷ lệ nhất định giữa cây rừng và cây nông nghiệp, cây công nghiệp, trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán rừng trồng, nuôi trồng thủy sản trên các diện tích khoán mặt nước của rừng ngập mặn … góp phần tạo thêm thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, tận dụng nguồn tài nguyên.

Diễn đàn Megacity connect vùng Đông Nam Bộ, chủ đề Phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng.
Diễn đàn Megacity connect vùng Đông Nam Bộ, chủ đề Phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, bên cạnh giá trị kinh tế, các tỉnh còn có thể nâng cao nhận thức về giá trị của rừng cho người dân và khách du lịch thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, các mô hình phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng.

“Ngoài ra, cần thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi kinh tế “dưới tán rừng” gắn với bảo vệ và phát triển rừng, có như vậy “lá phổi xanh” cực kỳ quan trọng này mới có thể tồn tại song song một cách hài hòa với sự phát triển của địa phương, đất nước trong thời kỳ mới”, ông Gọi cho biết.

Chia sẻ từ góc độ người làm kinh tế, các doanh nghiệp tới từ Làng Design Thinking như Queen Farm, Stone Hill Farm… cho biết đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng được nguồn tài nguyên từ rừng để xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, kinh tế mới như Mô hình Ca cao tuần hoàn trên hệ sinh thái phục hồi từ đồi đất đá bạc màu ở Huyện Tân Phú, Đồng Nai, Mô hình Nông nghiệp Công nghệ cao kết hợp sinh thái…

Trong thời gian tới, vùng Đông Nam Bộ sẽ tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng; phát triển Cụm liên kết MegaCity Connect nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong vùng bằng việc gia tăng năng suất, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, đảm bảo 3 trụ cột Kinh tế – Xã hội – Bảo vệ môi trường và phát triển giá trị gia tăng, hướng đến phát triển bền vững.

Đối tác