VN Innovation Champions
1

Hành trình ươm mầm doanh nhân trẻ của Mentor Nguyễn Văn Dũng

Anh Nguyễn Văn Dũng, một cái tên không xa lạ trong cộng đồng doanh nhân trẻ và khởi nghiệp tại Việt Nam, đã có một hành trình đầy ththách nhưng cũng tràn đầy cảm hứng; nhằm ươm mầm những hạt giống doanh nhân trẻ, từ những thất bại đầu đời đến khi trở thành người dẫn lối cho thế hệ khởi nghiệp Việt trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Sinh ra và lớn lên ở một làng nghề truyền thống và từng trải qua vô vàn sóng gió trong kinh doanh, anh Dũng không chỉ xây dựng PMAXGROUP vững mạnh mà còn dành trọn tâm huyết cho Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ khởi nghiệp (YBC) và tham gia nhiệm vụ: “Hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với quốc tế” thuộc Đề án 844 của Chính Phủ, tạo nên một hệ sinh thái bền vững nơi khát vọng và tiềm năng của người trẻ được chắp cánh. Câu chuyện của anh Dũng là minh chứng rõ nét cho một triết lý khởi nghiệp khác biệt – không chỉ là chạy theo dòng vốn hay xu hướng, mà là xây dựng nền tảng vững chắc và giá trị thật cho cộng đồng.

Anh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp

Hành trình 12 năm khởi nghiệp và khát vọng tạo giá trị cộng đồng

Anh Nguyễn Văn Dũng, có xuất phát điểm bình thường như bao người, khởi nghiệp từ con số 0. Trước khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, anh đã từng có 2 năm đi làm thuê. Điều đặc biệt là khi bước chân vào môi trường công việc, anh có khả năng học hỏi rất nhanh từ người khác.

Sau này, anh quyết định tự mở doanh nghiệp vì mong muốn cuộc sống của mình và gia đình sau này không còn phải nghèo khó. Thời điểm anh khởi nghiệp đúng vào những năm kinh tế khó khăn, toàn bộ thanh niên trong làng, gần 200 người, đều không có việc làm. “Hồi đấy, nếu không có việc làm, bạn bè trang lứa dễ sa vào nghiện hút, tệ nạn xã hội lắm”, anh Dũng trầm tư. Chỉ có một niềm ước ao duy nhất trong anh lúc đó là phải làm sao để đưa cái làng nghề của mình phát triển lên được.

Từ khao khát ấy, anh Dũng bắt đầu mày mò. Anh lên Google, tìm hiểu: “Nếu làm nội thất, quốc gia nào đứng đầu thế giới?”. Google trả lời: Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Pháp. Anh lại hỏi tiếp: “Ở những quốc gia đó, những doanh nghiệp nào là hàng đầu?”. Tổng hợp được hơn một trăm website của các đơn vị hàng đầu thế giới, anh say sưa vào xem catalog, profile, tự tải về và tạo ra một bộ blog riêng. Kiên trì đăng tải lên các diễn đàn như Webtretho, lamchame, khách hàng dần tìm đến. Anh Dũng chính là người đã tiên phong đưa phân khúc nội thất tân cổ điển về Việt Nam. Khoảng 15 năm gắn bó với lĩnh vực này, PMAXGROUP của anh trở thành một trong những đơn vị uy tín hàng đầu phía Bắc, thực hiện nhiều công trình cho các tập đoàn và đại gia.

Tuy nhiên, “chiến đấu” gần 15 năm trong ngành nội thất là một hành trình đầy mệt mỏi. Anh Dũng tâm sự: “Có những thời điểm quản lý hàng trăm thợ, áp lực kinh khủng khi chủ đầu tư không thanh toán, đồng nghĩa với việc đối diện với cuộc sống của hàng trăm gia đình”.

Những áp lực và trăn trở ấy đã thôi thúc anh Dũng đi tìm những câu hỏi lớn về cuộc đời: “Làm để làm gì? Sống để làm gì?”. Đó là lúc anh quyết định từ bỏ công ty, dành hơn một năm và gần 2 tỷ đồng (khoảng năm 2014-2015) để đi học từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Sau khi học, anh mới vỡ lẽ: “Mình làm doanh nghiệp thành công nhưng hóa ra mình chả biết làm doanh nghiệp. Mình chỉ là người giỏi kinh doanh thôi chứ không phải biết làm quản trị”.

Trở về sau những khóa học chuyên sâu, anh Dũng nhận thấy một khoảng trống lớn: Rất nhiều kiến thức giá trị về làm doanh nghiệp bài bản mà anh đã bỏ tiền tỷ để học lại là điều không phải ai cũng có thời gian hay tài chính để tiếp cận. Từ đó, anh bắt đầu hành trình chia sẻ và lan tỏa kiến thức. Với hơn chục năm kinh nghiệm thực chiến điều hành doanh nghiệp từ hai bàn tay trắng, kết hợp với những chương trình học chất lượng cao, anh Dũng nhanh chóng tạo ra sức ảnh hưởng lớn.

Ban đầu, câu lạc bộ được anh đặt tên là Câu lạc bộ Doanh nhân 3.0. Anh Dũng giải thích rõ định nghĩa của mình: “1.0 là kinh doanh truyền thống – giống như bây giờ mình muốn ăn bát phở thì phải ra quán phở. 2.0 là bắt đầu biết ứng dụng internet, có shop, có website, lên Shopee, TikTok. Còn 3.0 là kinh doanh giải pháp”. Theo anh, đó là tư duy của những doanh nghiệp như Grab, Airbnb, hay Facebook – những đơn vị tạo ra giải pháp lớn để giải quyết các vấn đề của xã hội, chứ không còn đơn thuần là bán sản phẩm hay dịch vụ. Mãi sau này, để tránh nhầm lẫn với khái niệm xã hội 4.0 đang phổ biến, câu lạc bộ mới chính thức đổi tên thành YBC.

Anh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ trong tọa đàm SME CEO Forum

Kiến tạo tư duy “nghĩ lớn” và ươm mầm thế hệ doanh nhân tương lai

Giá trị lớn nhất mà anh Dũng mang lại cho hệ sinh thái là truyền cho các bạn trẻ động lực và đặc biệt là trang bị cho họ tư duy mới, tư duy đột phá, tư duy giải pháp. Anh chia sẻ: Ở Việt Nam rất ít những chương trình dạy về tư duy. Các bạn trẻ khi khởi nghiệp thường chỉ nghĩ đến việc bán sản phẩm từ xưởng nhà mình, hay từ nguồn hàng có sẵn. Đó là cách khởi nghiệp của người Việt Nam.

Anh Dũng lại đi ngược lại tư duy đó: “Tôi sẽ bắt đầu bằng việc nghĩ lớn”. Anh thường kể những câu chuyện như ông Đặng Lê Nguyên Vũ từ hạt cà phê, hay ông Đoàn Nguyên Đức từ quả chuối, đều thành tỷ phú. Anh đặt câu hỏi: “Có cách gì để biến một hạt cacao thành tỷ phú không? Hay một quả chuối?”. Từ đó, anh giúp các bạn trẻ tìm kiếm những câu hỏi lớn cho doanh nghiệp của mình: “Nếu mình muốn giải quyết cho một triệu người thì có những phương pháp gì? Mười triệu người thì sao?”.

Anh Dũng đặc biệt chú trọng “nhặt” những bạn trẻ có tâm tốt, cầu thị, nhạy bén và thông minh để hỗ trợ. “Bởi vì sau này mình đi kinh doanh mới nhận ra là càng giỏi mà càng không có tâm thì càng đi hại người”, anh lý giải. Nhiều học trò của anh, những bạn sinh viên tỉnh lẻ không có đồng nào, sau khoảng 5-7 năm đã gặt hái được những thành công đáng kinh ngạc: Trở thành triệu phú, tự mua nhà, mua xe ở Hà Nội, sở hữu doanh nghiệp với thu nhập tốt.

Anh Dũng luôn nhấn mạnh rằng khởi nghiệp không phải là “hô hào phong trào” hay ảo tưởng thành công dễ dàng. Thay vào đó, đó là một hành trình chuẩn bị kỹ lưỡng, liên tục học hỏi và dám đương đầu với những thách thức lớn.

Trong bối cảnh đó, anh Dũng đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực chung của chính phủ và các tổ chức nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bài bản. Anh nhìn nhận Đề án 844 – Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” – như một bước đi chiến lược quan trọng, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho sự phát triển của startup. Với YBC, anh Dũng định vị tổ chức của mình như một mắt xích chủ động, kết nối và bổ trợ cho các mục tiêu chung của Đề án, góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc, giảm thiểu rủi ro “chết yểu” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.”

Việt Anh