VN Innovation Champions
1

Đổi mới Sáng tạo: Bắt đầu từ đâu?

Đổi mới sáng tạo thì dễ nói hơn làm. Để có thể làm được một cách dễ dàng là ứng dụng phương pháp Design Thinking – Tư duy Thiết kế.

Tư duy thiết kế – Design Thinking

Design Thinking là phương pháp sáng tạo và linh hoạt để giải quyết các vấn đề và tạo ra những giải pháp mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chiến lược tổ chức, thiết kế sản phẩm và dịch vụ cho đến thiết kế trải nghiệm người dùng.

Design Thinking là nền tảng cho đổi mới sáng tạo, đặt lợi ích của con người vào trung tâm của quá trình thiết kế và đảm bảo rằng các giải pháp được tạo ra thực sự phục vụ và tạo ra giá trị cho người sử dụng.

Design Thinking là cách tư duy dựa trên giải pháp. Đây là cách thiết thực để lập chiến lược và thiết kế cho sự đổi mới bằng cách sử dụng những hiểu biết sâu sắc từ việc quan sát và nghiên cứu người dùng.

Tạo ra một nền văn hoá khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới rất quan trọng đối với các doanh nghiệp đang tìm cách duy trì tính cạnh tranh và đạt được sự thành công lâu dài, bền vững. Design Thinking cung cấp một khuôn khổ mạnh mẽ để thúc đẩy văn hoá đổi mới sáng tạo trong tổ chức vì nó nhấn mạnh đến sự hợp tác, đồng cảm và thử nghiệm.

Các công ty trên thế giới đã ứng dụng Design Thinking trong các hoạt động kinh doanh

 

Design Thinking vừa là một hệ tư tưởng vừa là một quá trình, là tư duy và cũng là phương pháp hành động, liên quan đến việc giải quyết các vấn đề phức tạp theo cách lấy người dùng làm trung tâm.

Design Thinking giúp doanh nghiệp, những người tham gia vào quá trình kinh doanh đổi mới hành vi, thay đổi cách làm để tạo ra những sản phẩm dịch vụ mang lại giá trị cho con người, tạo dựng một cuộc sống bền vững và thịnh vượng.

Để có thể áp dụng được Design Thinking, con người cần phát triển khả năng đồng cảm, tình yêu thương, trách nhiệm đối với bản thân, mọi người, thiên nhiên vạn vật. Chỉ có tình yêu thương mới thúc đẩy các sáng kiến có giá trị và mang đến sự đổi mới có ý nghĩa.

Bốn nguyên tắc của Design Thinking

Quy tắc về con người: cho dù các hoạt động thiết kế diễn ra trong bối cảnh nào, các thiết kế đều hướng đến sự đổi mới xã hội dựa trên quan điểm lấy con người làm trung tâm.

Quy tắc mơ hồ: sự mơ hồ là điều không thể tránh khỏi. Thử nghiệm trong phạm vi mức độ kiến ​​thức và khả năng đang có là điều quan trọng, để từ đó có thể phát triển khả năng nhận thấy mọi thứ theo những cách khác nhau.

Quy tắc thiết kế lại: mọi thiết kế đều có thể thiết kế lại. Trong khi công nghệ và hoàn cảnh xã hội có thể thay đổi và phát triển, nhu cầu cơ bản của con người vẫn không thay đổi. Về cơ bản, chúng ta chỉ thiết kế lại phương tiện đáp ứng những nhu cầu này để đạt được mong muốn của khách hàng.

Quy tắc hữu hình: việc trực quan hoá ý tưởng thành hiện thực dưới dạng nguyên mẫu giúp các nhà thiết kế truyền đạt chúng hiệu quả hơn.

Năm giai đoạn của Design Thinking

Dựa trên bốn quy tắc trên – theo Viện Thiết kế Hasso – Plattner tại Stanford (còn được gọi là d.school) – Design Thinking được chia thành năm bước hoặc 5 giai đoạn bao gồm: Đồng cảm, Xác định, Sáng tạo ý tưởng, tạo Nguyên mẫu và Thử nghiệm.

Giai đoạn 1: Sự đồng cảm Empathy là điểm khởi đầu quan trọng, là trọng tâm và là trái tim của Design Thinking. Giai đoạn đầu tiên của quá trình này là tìm hiểu người dùng, hiểu mong muốn, nhu cầu và mục tiêu của họ.

Đồng cảm là một  hành trình đi vào cảm xúc và đặt mình vào vị trí người khác. Sự đồng cảm có nghĩa là cảm nhận được những gì người khác cảm thấy, bước vào vị trí của người khác, quan sát và tương tác với mọi người để hiểu sâu sắc tâm lý và cảm xúc của họ. Trong giai đoạn này, nhà thiết kế tìm cách gạt bỏ các giả định, định kiến cá nhân để có thể lắng nghe và thu thập những hiểu biết thực sự về người sử dụng. Do đó, các doanh nghiệp đổi mới hay những người đang tham gia xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần phát triển kỹ năng lắng nghe, đồng cảm và tình yêu thương.

 5 giai đoạn của Design Thinking

 

Giai đoạn 2: Xác định – Define

Giai đoạn thứ hai trong quá trình Design Thinking là giai đoạn xác định vấn đề. Sau khi  thu thập tất cả những dữ liệu trong giai đoạn đồng cảm, chúng ta đi sâu hơn trong việc tìm hiểu những khó khăn và rào cản mà người dùng đang gặp phải; chúng ta đã quan sát, phát hiện ra những mẫu hình nào? Vấn đề lớn của đa số người dùng cần giải quyết là gì?

Đến cuối giai đoạn xác định, chúng ta sẽ có một tuyên bố vấn đề rõ ràng. Chìa khóa là đóng khung vấn đề theo cách lấy người dùng làm trung tâm; thay vì nói “Chúng ta cần phải…”, hãy đóng khung theo cách của người dùng: ” Những người trong độ tuổi đi làm ở các thành phố lớn cần …”.

Khi đã diễn đạt vấn đề thành lời nói, chúng ta bắt đầu đưa ra các giải pháp và ý tưởng ở giai đoạn ba.

Giai đoạn 3:  Ý tưởng – Idea

Với sự hiểu biết vững chắc về người dùng và đã tuyên bố vấn đề rõ ràng, đây là lúc chúng ta bắt đầu làm việc trên các giải pháp tiềm năng. Giai đoạn thứ ba trong quy trình Design Thinking là nơi sáng tạo diễn ra và điều quan trọng cần nhận thức đây là giai đoạn hình thành ý tưởng mà không có bất cứ sự phán xét nào.

Các nhà thiết kế sẽ tổ chức các buổi họp sáng kiến, ý tưởng, đưa ra càng nhiều góc nhìn và ý tưởng mới càng tốt. Có nhiều kỹ thuật ý tưởng khác nhau có thể sử dụng, từ động não và lập sơ đồ tư duy và nhiều kỹ thuật thách thức các nhà thiết kế khám phá các lựa chọn và phương án thay thế mới.

Đến cuối giai đoạn lên ý tưởng, chúng ta sẽ thu hẹp nó lại thành một vài ý tưởng để tiếp tục trong giai đoạn 4.

Giai đoạn 4: Nguyên mẫu – Prototype

Bước thứ tư trong quy trình Design Thinking là biến ý tưởng thành sản phẩm hữu hình. Nguyên mẫu là phiên bản thu nhỏ của sản phẩm kết hợp các giải pháp tiềm năng được xác định trong các giai đoạn trước. Bước này là chìa khóa trong việc thử nghiệm từng giải pháp và nêu bật mọi hạn chế và sai sót.

Trong suốt giai đoạn nguyên mẫu, các giải pháp được đề xuất có thể được chấp nhận, cải thiện, thiết kế lại hoặc từ chối tùy thuộc vào cách chúng hoạt động ở dạng nguyên mẫu.

Giai đoạn 5: Thử nghiệm – Test

Trong giai đoạn thử nghiệm người dùng và thị trường, điều quan trọng cần lưu ý đây không phải là kết thúc của quy trình Design Thinking. Trên thực tế, kết quả của giai đoạn thử nghiệm thường sẽ đưa chúng ta trở lại các bước trước đó, cung cấp những hiểu biết cần thiết để xác định lại vấn đề đã tuyên bố ban đầu hoặc đưa ra những ý tưởng mới chưa từng nghĩ đến.

Design Thinking không phải là một quá trình tuyến tính. Design Thinking mang đến cho chúng ta một bộ công cụ, mang đến linh hoạt, lặp đi lặp lại giữa các bước để tạo ra giải pháp sáng tạo nhất. Với mỗi khám phá mới mà một giai đoạn nhất định mang lại, chúng ta sẽ suy nghĩ lại và xác định lại những gì đã làm trước đây.

Lợi ích của Design Thinking

Có rất nhiều lợi ích khi sử dụng Design Thinking – cho dù là ứng dụng trong bối cảnh kinh doanh, giáo dục, sự phát triển của cá nhân hay xã hội.

Điều quan trọng nhất là Design Thinking thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Trong công việc và cuộc sống, chúng ta dựa vào kiến ​​thức và kinh nghiệm đã tích lũy để đưa ra quyết định và hành động. Chúng ta hình thành các khuôn mẫu và thói quen, mặc dù hữu ích trong một số tình huống nhất định, nhưng có thể hạn chế tầm nhìn của chúng ta về mọi thứ khi cần giải quyết vấn đề.

Thay vì lặp lại những phương pháp đã được thử và kiểm tra tương tự, Design Thinking khuyến khích chúng ta loại bỏ những rào cản và xem xét các giải pháp thay thế. Toàn bộ quá trình này đòi hỏi phải thử thách các giả định, khám phá những con đường và ý tưởng mới.

Design Thinking là nền tảng mạnh mẽ của việc giải quyết vấn đề – nó không làm chúng ta bị chìm đắm trong cảm xúc, cũng như không chỉ dựa vào phân tích, khoa học hay lý luận; nó là hỗn hợp của cả hai.

Một lợi ích tuyệt vời khác của Design Thinking là đặt con người lên hàng đầu. Bằng cách tập trung vào sự đồng cảm, nó khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức xem xét những người thực sự sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ – có nghĩa là họ có nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn khi tạo ra trải nghiệm có ý nghĩa cho người dùng. Đối với người dùng, điều này có nghĩa là họ nhận được các sản phẩm, giải pháp tốt và hữu ích hơn, thực sự cải thiện cuộc sống. Đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa là làm khách hàng hài lòng và mang đến lợi nhuận lành mạnh hơn.

Làng Design Thinking – Techfest VN

Làng Design Thinking – Techfest VN đã ứng dụng Design Thinking trong các hoạt động kết nối, xây dựng, thúc đẩy sự phát triển liên kết Vùng và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Empathy – Sự đồng cảm trong Design Thinking được ứng dụng trong các hoạt động của chương trình liên kết vùng MegaCity Connect giúp mọi người kết nối, thấu hiểu, đồng cảm như Caravan – Love Innovation Culture, Marathon Rainforest, Design Thinking Forum, các hoạt động trong Dự án Xây dựng văn hoá Đổi mới sáng tạo Rừng Mưa…

Các dự án, hoạt động, chương trình của Làng Design Thinking – Techfest VN

 

Thông qua sự quan sát, phản hồi từ các các hoạt động kết nối, các nguyên mẫu được tạo ra dựa trên nhu cầu của hệ sinh thái, đó là các Dự án Liên Minh Du lịch Nông nghiệp Bền Vững – VSAA, Wellness City, Startup VN, VN Local Talent Network… đang được thử nghiệm trong hệ sinh thái.

Các ứng dụng Làng Design Thinking đang triển khai, lấy con người làm trung tâm của sự thấu hiểu, đồng cảm để mang đến các giá trị hữu ích mới, bao gồm:

  • Ứng dụng Design Thinking trong các hoạt động kết, xây dựng và phát triển mạng lưới, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo;
  • Ứng dụng Design Thinking trong mô hình xây dựng và phát triển hệ sinh thái Rainforest Canvas;
  • Ứng dụng Design Thinking trong tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
  • Ứng dụng Design Thinking thiết kế các chương trình huấn luyện “Designing Your Life”, tạo nên những lãnh đạo, những con người đổi mới, sáng tạo, từ bi, yêu thương nhân loại, con người, quê hương đất nước;
  • Ứng dụng Design Thinking trong các chương trình kết nối, Huấn luyện Lãnh đạo cộng đồng;
  • Ứng dụng Design Thinking trong huấn luyện chiến lược kinh doanh, quản trị, vận hành dự án, xây dựng các Mô hình kinh doanh sáng tạo và đổi mới, giúp các doanh nghiệp, startup có được những thị trường mới và tăng trưởng hơn;
  • Ứng dụng Design Thinking trong thiết kế các dịch vụ xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, môi trường;
  • Ứng dụng Design Thinking trong Chuyển đổi số;
  • Ứng dụng Design Thinking trong du lịch đổi mới và bền vững, nông nghiệp sạch và nông nghiệp tự nhiên;
  • Ứng dụng Design Thinking trong tổ chức các sự kiện đổi mới sáng tạo tại địa phương;
  • Ứng dụng Design Thinking thiết kế kế hoạch tăng chỉ số PII của các địa phương.

Để đổi mới sáng tạo, nơi bắt đầu là từ con người. Các lãnh đạo doanh nghiệp, những người dẫn dắt, tổ chức các hoạt động đổi mới sáng tạo, những người đang tham gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở các vai trò khác nhau cần làm mới bản thân mình trước. Sự đồng cảm, tình yêu thương là nền tảng tạo nên những sáng kiến, ý tưởng mới hữu ích và giá trị cho con người. Khoa học công nghệ hay chuyển đổi số là những công cụ cần được sử dụng đúng cách từ những người biết yêu thương.

Chúng ta hãy bắt đầu hành trình sáng tạo và đổi mới với Design Thinking…

Các trang thông tin của Làng Design Thinking

Dương Tường Nhi

Head of Design Thinking Village – Techfest VN

Đối tác