VN Innovation Champions
1

Open Innovation giúp Start-up khởi tạo giá trị (Value Creation)

Sau những lần qua lại và tìm hiểu, học tập mô hình thành công của các tổ chức Nghiên cứu Phát triển Công nghệ tại Đài Loan (Trung Quốc), năm 2009, tôi may mắn có mặt tham gia một khóa học tại đây về Đổi mới Sáng tạo (Innovation).

Khóa học cho tôi những trải nghiệm bất ngờ, các chuyên gia tham gia giảng dạy đều giàu kinh nghiệm và trải nghiệm với vấn đề họ đề cập. Trong chương trình học, có một từ khóa đầu tiên tôi vô cùng thích thú đó là “Value creation”, tạm gọi là “khởi tạo giá trị”. Tôi còn nhớ vị Giáo sư hôm đó cầm một vỏ bao thuốc lá bằng kẽm rất đẹp của Hàn Quốc làm ví dụ trực quan về “Value creation”. Ông lý giải bao thuốc lá rất ngon của người Đài, với bao nhiêu tinh chất và kỹ thuật truyền thống lâu đời nhưng chỉ báo giá bán giá 1$, ngược lại bao thuốc lá chất sợi công nghiệp, hút vào nhạt nhẽo của Hàn Quốc được giới trẻ ở Đài thịnh hành có giá 4$. Điều này buộc các chuyên gia kinh tế hàng đầu Đài Bắc phải suy nghĩ. Họ đã thuyết phục chính quyền địa phương thay đổi chiến lược phát triển. Ông phân tích sự khác biệt tạo nên bao thuốc 4$ chính là chiếc vỏ kẽm ông đang cầm. Các hãng thuốc xứ Đài quá tập trung vào chất lượng mà bỏ qua nhu cầu thời trang của giới trẻ. Họ không quan tâm đến thiết kế bao bì hay thương hiệu. Người Hàn đã giải mã được các nhu cầu người dung. Họ nhẹ nhàng có được 3$ giá trị gia tăng từ chiếc vỏ hợp thời trang.

Thay bằng việc quá đề cao yếu tố công nghệ hay kỹ thuật, người Đài bắt đầu nghĩ đến những việc cần thiết để tăng giá trị nội sinh cho từng sản phẩm. Từ chính quyền đến Doanh nghiệp bắt đầu khởi động ngay các chương trình xây dựng nhận thức xã hội đến hành các động cụ thể biến một thể chế kinh tế đề cao khẩu hiệu “hi-tech, low-tech, make money is tech” thành “Value creation”.

Value creation-khởi tạo giá trị là giá trị nào? Đó là giá trị gia tăng (value added). Doanh nghiệp muốn có giá trị gia tăng cao thì phải đầu tư vào công nghệ. Tại đây, ngoài các bigTech thì Start-up luôn tạo ra các mô thức có giá trị gia tăng cao, hoặc rất cao. Để có giá trị gia tăng cao cần dựa trên công nghệ mới, công nghệ cao. Công nghệ chuyển hóa tri thức thành giá trị (tiền) trong mỗi sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp cho thị trường đó là tính “nội sinh”. Vậy nên mô hình Value creation phải tập trung vào giá trị gia tăng nội sinh.

Năm 2015, khi tôi tham gia xuất bản một bài báo về “Open Innovation”, vài chuyên gia đã trực tiếp phản biện: đây là cách vẽ chuyện, chẻ chữ, “đã Innovation thì đâu chả là Innovation còn chia ra đóng với mở”. Tôi ngậm ngùi ghi nhận như một lời chỉ dẫn, từ đó tôi rút vào phía sau lặng lẽ âm thầm tìm hiểu kỹ câu chuyện “Open Innovation” cho riêng mình.

 

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Nghiên cứu viên về Đổi mới Sáng tạo mở

Tại sao lại nhắc lại chuyện này?

Cũng năm 2009 trong khóa học đã nêu trên, tôi bắt gặp mô thức “Open Innovation”. Giảng viên là một Doanh nhân thành công trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông khẳng định tầm nhìn “Value creation” phải được đảm bảo bằng triển khai “Open Innovation”. Mất nhiều năm sau đó tôi tự tìm hiểu, kết nối cộng đồng chuyên gia quốc tế, đọc hàng trăm bài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học xung quanh chủ đề Open Innovation, đến 2015 mới liều mình chia sẻ. Sau lần được các chuyên gia nhận định đó tôi quyết định tiếp tục nghiên cứu một mình như một thú vui trong công tác. Gần đây khi đi đâu tôi cũng bắt gặp từ khóa “Open Innovation”, nghe nhiều người nói về nó như liều “thuốc tiên” cho một tương lai mới, đặc biệt với Start-up. Mừng lắm nhưng rồi vẫn quyết định tiếp tục nghiên cứu như một thú vui, một mình.

Trong quá trình nghiên cứu Open Innovation, có lần tôi mời Giáo sư từ MIT đến văn phòng xin thỉnh giáo. Thông qua một người bạn tại Thượng Hải, nhân chuyến ông đến công tác tại Tp. Hồ Chí Minh, tôi mời ông về nói chuyện, giáo sư chia sẻ cởi mở nhiều điều thú vị. Câu hỏi tôi đặt cho ông: “tôi biết Start-up như làm một văn hóa của MIT, vậy ông có thể chia sẻ cách nào MIT duy trì được năng lực sáng tạo lâu đến vậy, phải chăng do các tài năng trẻ liên tục được tuyển dụng?”. Ông trả khẳng định Start-up là văn hóa của sinh viên MIT. Khi tuyển vào MIT, họ chú trọng đến tố chất Doanh nhân của sinh viên hơn tất cả các yếu tố khác ví dụ như điểm hồ sơ. Sinh viên MIT được khuyến khích Start-up ngay từ sau năm hai.

Vậy ý tưởng hay công nghệ lõi từ đâu?

Ở MIT thì không từ các sinh viên mà từ các phòng thí nghiệm (lab) hay từ các giáo sư. Các lab khuyến khích sinh viên có tố chất Doanh nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lab. Cách làm này giúp MIT giữ chân được các nhân tài tiếp tục gắn bó với các Lab, đồng thời khởi tạo nhiều doanh nghiệp sáng tạo thành công do sinh viên Start-up. Chính mô thức này MIT đã hút các bigTech đầu tư xây dựng các lab công nghệ cao tại MIT để tận dụng nhân tài của MIT cùng sáng tạo ra sản phẩm mới. Ông nêu một vài lab ở MIT, toàn ông lớn như Amazon, Google, Facebook…cuối cùng ông chia sẻ đó là mô thức open innovation. Việc này khi tìm hiểu tôi biết đó là mô hình “spin-off” từ các trường Đại học tại các nước công nghệ tiên tiến. Các Đại học thúc đẩy thương mại hóa nhanh các kết quả sau nghiên cứu thông qua doanh nghiệp spin-off nhưng vẫn giữ chân các tài năng nghiên cứu tại các phòng lab.

Do giới hạn bài viết được yêu cầu, tôi chỉ nêu vài câu chuyện cá nhân, có thể đúng có thể sai, nhưng đó là những trải nghiệm thật mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang dấn thân trên con đường start-up. Cá nhân tôi đã vài lần khởi nghiệp, đã từng mất tất cả tài sản riêng, tuy nhiên con đường thành công vẫn còn nhiều thứ để trải nghiệm.

Đứng trên quan điểm của người làm Open Innovation thì “ý tưởng đa phần đến từ bên ngoài”. Ý tưởng tạo nguồn cảm hứng để khởi nghiệp, nhưng sự tồn tại của Doanh nghiệp lại phụ thuộc vào năng lực, bản lĩnh điều hành của ông chủ. Đây là những vấn đề cần lý giải thấu đáo bằng năng lực thực chiến trên thương trường, không thể chỉ dừng lại với bạt ngàn kiến thức được chia sẻ ngoài đường sách.

Chúc các bạn luôn thành công !

Nguyễn Mạnh Cường

Nghiên cứu viên về Đổi mới Sáng tạo mở

Đối tác